Trong những năm qua, hơn 100 nghìn công trình điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt gần 9.300 MWp. Để tiếp tục khai thác nguồn điện năng này, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp. Để có phương án phát triển tối ưu, Bộ Công Thương đề xuất 3 mô hình ĐMTMN, đang lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, chuyên gia, nhà khoa học.
Phủ Sóng Từ Mái Nhà Dân, Nóc Trụ Sở Đến Dự Án Đô Thị…
Năm 2016, tại Đà Nẵng, Công ty CP Đất Xanh Miền Trung (nay là Regal Group) là doanh nghiệp tiên phong sử dụng pin năng lượng mặt trời lắp đặt tại các dự án do doanh nghiệp này đầu tư. Trong đó, điển hình là dãy nhà phố gần 40 căn tại Dự án Marina Complex Ngô Quyền (quận Sơn Trà). Theo tính toán của Chủ đầu tư, sử dụng năng lượng mặt trời tiết kiệm trung bình khoảng 800 nghìn – 1 triệu đồng tiền điện/tháng/hộ gia đình. Từ dự án đầu tiên đó, đến nay, Đà Nẵng đã có khoảng 1.500 khách hàng lắp đặt ĐMTMN, tổng công suất lắp đặt 10.363 kWp, tổng sản lượng phát lên lưới khoảng 1,7 triệu kWh.
Tại TP.HCM, theo báo cáo của Sở Công Thương, năm 2017, quận Phú Nhuận là địa phương đầu tiên dành phần kinh phí trong tổng vốn gần 137 tỷ đồng đầu tư trụ sở HĐND và UBND để lắp hệ thống ĐMTMN, công suất 90 kWp, bình quân mỗi ngày tạo ra 350 – 370 kWh điện, tức xấp xỉ 11.000 kWh/tháng, tương đương 35% – 40% lượng điện tiêu thụ toàn trụ sở/tháng. Đến nay, TP.HCM có 14.152 hệ thống ĐMTMN với tổng công suất 355,198 MWp đang vận hành (chiếm khoảng 7% công suất trung bình toàn hệ thống điện).
Tại khu vực phía Bắc, theo báo cáo của Sở Công Thương TP. Hà Nội, đến năm 2021, Hà Nội đã lắp đặt được 2.102 hệ thống ĐMTMN, công suất 33,82 MWp, sản lượng gần 19 triệu kWh. Đáng chú ý, vào giữa tháng 9/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ký một hiệp định vay trị giá 13,8 triệu USD để tài trợ cho Công ty GreenYellow Smart Solutions Việt Nam (GreenYellow) triển khai hệ thống ĐMTMN nhằm giúp tăng nguồn cung năng lượng sạch với giá cả phù hợp cho các khách hàng kinh doanh và sản xuất. Đây là khoản tài trợ đầu tiên của ADB trong danh mục đầu tư ĐMTMN dành cho phân khúc sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Được biết, gói tài trợ bao gồm khoản vay loại A trị giá 3 triệu USD từ quỹ nguồn vốn thông thường của ADB và các khoản vay song song trị giá 10,8 triệu USD từ FMO – một quỹ được quản lý bởi ResponsAbility Investments AG và Société Générale, do ADB là bên chủ trì thu xếp.
Ông Phạm Nam Phong, Tổng giám đốc Công ty CP Điện mặt trời Vũ Phong (Vũ Phong Energy Group) cho rằng, năng lượng tái tạo (NLTT) nói chung, ĐMTMN nói riêng bùng nổ từ năm 2017, thời điểm Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam. Sau đó, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BCT quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án ĐMT. Với hành lang pháp lý cụ thể và cơ chế giá cố định (FIT) hấp dẫn (2.086 đồng/kWh), đây được xem là cú huých cho sự phát triển của ĐMTMN nói riêng, ĐMT nói chung. Bên cạnh đó, suất đầu tư ĐMT giảm, công nghệ pin năng lượng mặt trời phát triển làm tăng hiệu suất và tuổi thọ… là những tác nhân thúc đẩy ĐMTMN tăng trưởng mạnh vì lợi nhuận kinh tế rõ ràng, thời gian hoàn vốn rút ngắn chỉ còn 5 – 6 năm.
Đề Xuất 3 Mô Hình Phát Triển Điện Mặt Trời Mái Nhà
Trong xu hướng chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các loại NLTT đang diễn ra trên toàn cầu, trong bối cảnh thiếu điện trầm trọng trong nước, sự phát triển ĐMTMN là một lựa chọn hiệu quả và thông minh. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt, quá mức và phá vỡ quy hoạch đang gây ra những hệ lụy cho ngành điện khi có nhiều dự án xây dựng không phép, ngoài quy hoạch, dự án đầu tư trục lợi chính sách… Những bất cập này đã và đang được chấn chỉnh, rà soát và định hướng đầu tư ĐMTMN theo Quy hoạch điện VIII.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp và báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Theo Dự thảo, khi đầu tư phát triển, sử dụng ĐMTMN, các chủ đầu tư được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được ưu tiên bố trí ngân sách; miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi… Cơ chế này cũng không giới hạn về quy mô công suất lắp đặt. Tuy nhiên, hệ thống phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường và phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành.
Dự thảo đề xuất, việc phát triển ĐMTMN ưu tiên khu vực miền Bắc do thiếu hụt điện nghiêm trọng vào các tháng cao điểm mùa hè. Cụ thể, Dự thảo đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo các ngân hàng thương mại có các biện pháp giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư hệ thống ĐMTMN hoặc thiết kế một gói cho vay lãi suất ưu đãi đối với các hệ thống này, ưu tiên bố trí trước cho khu vực miền Bắc. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển hệ thống ĐMTMN lắp đặt tại công sở, ưu tiên bố trí trước cho khu vực miền Bắc.
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Dự thảo yêu cầu xây dựng chương trình vận động, tuyên truyền đến người dân, các cơ quan, công sở lắp đặt hệ thống ĐMTMN, mục tiêu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng ĐMTMN cho mục đích tự sử dụng theo cơ cấu nguồn điện: năm 2030 nguồn ĐMT tự sản, tự tiêu đạt 2.600 MW. Theo tính toán của Bộ Công Thương, với quy mô này, chỉ cần khoảng 12,5% nhà dân trên cả nước lắp mỗi gia đình 1 kW trong năm 2023 là đã hoàn thành mục tiêu tăng thêm về ĐMTMN cho cả kỳ quy hoạch.
Theo Bộ Công Thương, thực tế cho thấy ĐMTMN có thể phân chia thành các mô hình phát triển, cụ thể là ĐMTMN có liên kết với lưới điện quốc gia và ĐMTMN không liên kết với lưới điện quốc gia. Để có phương án tối ưu, Bộ đề xuất 3 mô hình ĐMTMN để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là chính các hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ quan… trực tiếp đầu tư.
Ba mô hình Bộ Công Thương đưa ra bao gồm: mô hình 1, ĐMTMN có liên kết với lưới điện nhưng không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác; mô hình 2, có liên kết lưới điện, cho phép bán điện cho tổ chức, cá nhân và có chính sách về giá bán điện (các bên mua bán điện phải thỏa thuận giá theo khung giá, cơ quan nhà nước tiếp tục ban hành khung giá cho các đối tượng, EVN thỏa thuận với các chủ đầu tư theo khung giá được duyệt); mô hình 3, không liên kết với lưới điện quốc gia. Mô hình 3 được xem xét ưu tiên phát triển, có thể tự sử dụng hay bán điện cho tổ chức, cá nhân ngoài EVN với điều kiện cả nguồn – tải không liên kết với lưới điện quốc gia. Chủ đầu tư dự án phát triển theo mô hình này vẫn bị điều chỉnh bởi các quy định khác của pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy.
Theo baodauthau.vn
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để nhận tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất!
—————————————–
CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ KỶ NGUYÊN MỚI
Hotline: 091 227 8787
Website: www.lesmart.vn
Facebook: Lesmart
Email: Info@lesmart.vn
Địa chỉ: 82 Phan Đình Phùng, Phường Đông Hương, Thành Phố Thanh Hóa
Lesmart Chào Đón Đại Diện Risen Energy Tại Việt Nam Và Đông Nam Á: Cam Kết Chất Lượng Pin Năng Lượng Mặt Trời
Cảnh Báo Nguy Cơ Cháy Nổ Và Giải Pháp Phòng Chống Cháy Nổ Cho Các Hệ Thống Điện Mặt Trời
Trồng Bông Cúc Hoàn Toàn Bằng Điện Mặt Trời
🌟𝐍𝐚̂𝐧𝐠 𝐜𝐚̂́𝐩 𝐡𝐞̣̂ 𝐭𝐡𝐨̂́𝐧𝐠 đ𝐢𝐞̣̂𝐧 𝐦𝐚̣̆𝐭 𝐭𝐫𝐨̛̀𝐢 𝐜𝐡𝐨 𝐤𝐡𝐚́𝐜𝐡 𝐡𝐚̀𝐧𝐠
Lưu trữ chất lượng – Tiết kiệm tối đa
𝑯𝒐𝒂̀𝒏 𝒕𝒉𝒂̀𝒏𝒉 𝒉𝒆̣̂ 𝒕𝒉𝒐̂́𝒏𝒈 𝒃𝒂̀𝒏 𝒈𝒊𝒂𝒐 𝒄𝒉𝒐 𝒌𝒉𝒂́𝒄𝒉 𝒉𝒂̀𝒏𝒈 𝒉𝒆̣̂ 𝒕𝒉𝒐̂́𝒏𝒈 đ𝒊𝒆̣̂𝒏 𝒎𝒂̣̆𝒕 𝒕𝒓𝒐̛̀𝒊 𝒉𝒐̀𝒂 𝒍𝒖̛𝒐̛́𝒊 𝒃𝒂́𝒎 𝒕𝒂̉𝒊 𝒄𝒐̂𝒏𝒈 𝒔𝒖𝒂̂́𝒕 17𝑲𝒘𝒑